Khám phá truyền kỳ về chim yến từ góc nhìn lịch sử

Khám phá truyền kỳ về chim yến từ góc nhìn lịch sử

  • 21/11/2024
  • Người đăng Luong Phong
  • 0 Bình luận

Yến sào là một trong “bát trân” xa hoa trong cung đình thời xa xưa. Những câu truyện cổ tích, truyền thuyết về chim yến luôn nhuốm màu huyền thoại, từ việc có liên quan đến Hiên Viên Hoàng Đế, sự biến mất khó hiểu thời cổ đại, rồi lại được phát hiện từ một nơi xa xôi… Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng Yến Sào Nữ Hoàng khám phá về loài chim đặc biệt này thông qua chủ đề “Khám phá truyền kỳ về chim yến từ góc nhìn lịch sử”!

 

Hiên Viên Hoàng Đế hóa chim yến vàng?

 

Tại huyện Hoài Tập, tỉnh Quảng Đông có một phong tục được tổ chức vào mùng 6 tháng 6 âm lịch. Phong tục này xuất phát từ văn hóa dân gian, gắn liền với Hiên Viên Hoàng Đế, tổ tiên của dân tộc Trung Hoa. Phong tục ấy có tên là “Lễ hội Cung Tử”.

 

Hoàng Đế, bắt đầu trị vì từ năm 2697 TCN, thường được biết đến là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Ông là một bậc minh quân, hết mực nhân từ và đạo đức. Tương truyền, sau khi hoàn thành sứ mệnh tại nhân gian, khởi tạo nền văn minh Trung Hoa, Hoàng Đế đã hoá thành chim yến vàng bay về trời, vào ngày mùng 6 tháng 6. Vì thế, người dân Trung Quốc tin rằng, chim yến màu vàng tượng trưng cho Hoàng Đế, nên cứ vào tháng 6 âm lịch, họ lại tổ chức một nghi lễ lớn để tưởng nhớ thủy tổ của mình.

 

Tuy nhiên, một số sách cổ ghi nhận có khác đôi chút về sự kiện về trời của Hiên Viên Hoàng Đế. Cụ thể, “Thần Tiên truyện” của học giả Cát Hồng đời Tấn cho biết, sau khi đại thắng Xi Vưu, thống nhất thiên hạ, Hoàng Đế được biết ở núi Không Động có Tiên nhân tên là Quảng Thành Tử, bèn tìm đến bái sư học Đạo. Vốn ban đầu Hoàng Đế bị Tiên ông từ chối, nhưng nhờ thành tâm cầu đạo, mà khi về già Hoàng Đế mới được Tiên ông thu nhận làm đệ tử. Kể từ đó, Hoàng Đế dốc lòng tu luyện. Đến năm 120 tuổi, Ông tu thành đắc Đạo, cưỡi rồng bay lên trời, bạch nhật phi thăng.

 

Vì thế, nguồn gốc của chim yến có phải là bắt nguồn từ Hoàng Đế hay không có lẽ vẫn còn là một dấu chấm hỏi?

 

Hoàng Đế bái sư học Đạo (Hình ảnh: Internet)

 

Sự biến mất khó hiểu của chim yến thời cổ đại

 

Câu chuyện sau đây kể về một vị vua với tính cách trái lại với Hiên Viên Hoàng Đế, đạo đức của người này có lẽ không được đánh giá cao lắm.

 

Theo truyền thuyết từ phía Bắc tỉnh Quảng Đông, vào thời Trung Hoa cổ đại, có một nhà vua, mặc dù hậu cung của ông có đến ba ngàn giai lệ, nhưng không một ai có thể sinh cho ông một đứa con trai để nối ngôi, bởi vì từ khi sinh ra cơ thể của ông đã bị yếu nhược. Điều này khiến nhà vua rất khổ tâm!

 

Ông cầu cứu vô số danh y trong thiên hạ nhưng không một ai có thể trị được bệnh cho mình. Nghe lời một bề tôi, nhà vua sai lính treo thưởng và bố cáo thiên hạ rằng, ai có được phương thuốc quý chữa khỏi bệnh vô sinh cho vua, thì sẽ được phong tước hầu và được thưởng hậu hĩnh, lên tới 1 triệu lạng vàng.

 

Tại Quảng Đông lúc ấy có một thôn họ Lưu, trong thôn có hai anh em là Lưu Tam Ca và Lưu Tam Muội. Hai người này đã đứng ra nhận lời chữa bệnh hiếm muộn cho vua.

 

Họ dùng tổ chim yến, kết hợp với 10 loại thảo dược khác, rồi sắc thành thuốc cho nhà vua uống. Sau nửa năm, sắc mặt của nhà vua bỗng hồi phục trở lại và trở nên tràn đầy sức sống. Sau một năm, ông thực sự đã có được một vị hoàng tử, hoàng cung khi đó tràn ngập niềm vui.

 

Tuy nhiên sau đó, nhà vua đã ngăn người dân lấy yến sào, và còn cử một vị tướng cưỡi ngựa trắng đến để giám sát việc thu hoạch yến sào của anh em họ Lưu. Nhân gian không ai rõ vị tướng quân này tên họ là gì, bèn gọi ông là Bạch Mã Tướng Quân.

 

Điều kỳ lạ là, việc thu hoạch yến sào để tiến cung diễn ra không lâu thì người trong làng bỗng không thấy anh em họ Lưu lẫn Bạch Mã Tướng Quân ở đâu nữa. Ngay cả những con chim yến đã xây tổ ở đó cũng biến mất một cách khó hiểu. Hiện nay, người ta vẫn thường đến thôn họ Lưu để tham quan khu vực này.

 

Nếu tìm kiếm sử sách Trung Quốc thì đúng là đã có một khoảng thời gian rất dài, không thấy yến sào được ghi chép nữa, cho đến khi một người đàn ông phát hiện chim yến ở một nơi cách Trung Quốc rất xa.

 



Sadoluo phát hiện chim yến tại Trung đảo Java

 

Theo ghi chép, vào thời cổ đại, tại miền Trung đảo Java (hiện nay là Indonesia) có một người đàn ông có sở thích ngắm mây và chim trời. Anh tên là Saduluo.

 

Một ngày, Saduluo bị thu hút bởi một đàn chim lạ vì cứ mỗi chiều, chúng lại bay vào một hang động rất sâu trong núi. Lúc đó, anh rất tò mò, không hiểu có gì trong động mà lũ chim đua nhau bay vào như thế.

 

Vì vậy, anh đã tìm mọi cách để leo lên ngọn núi cheo leo kia, cố gắng tìm đường vào tận sâu hang động tối. Sau mấy ngày leo trèo vất vả, cuối cùng anh đã đến nơi. Tuy nhiên, trong hang chẳng có gì ngoài những tổ chim kỳ lạ. Saduluo có chút thất vọng!

 

Tuy nhiên, anh không cam lòng quay về tay trắng, Saduluo đã dùng gậy gõ mạnh vào vách đá, khiến một tổ chim rơi xuống đất. Anh nhặt tổ lên thì thấy nó có hình bán nguyệt, cấu trúc hết sức tinh tế lại có bề mặt mượt mà, và có gì đó rất dễ thương, vì vậy anh đã lượm về một ít.

 

Sau khi mang về nhà một thời gian, Saduluo nảy ra ý một định táo bạo, anh muốn ăn thử chúng. Thế là, anh nấu chín một số tổ và nếm thử. Anh đã rất bất ngờ khi thấy rằng hương vị của loại tổ chim này không tệ và có thể dùng làm thức ăn.

 

Sau khi hay tin, người dân địa phương cũng đến hang động để thu lượm tổ chim lạ này. Điều kỳ lạ đã diễn ra, sau một thời gian ăn tổ của loài chim lạ, người dân trong làng dần trở nên khỏe mạnh hơn, khi đó họ mới biết được những tổ chim đó là một báu vật của tạo hóa.

 

Có lẽ người dân khi đó cũng chưa biết nó được tạo ra như thế nào. Kỳ thực, nó chính là yến sào, được tạo ra từ nước miếng của loài Yến mà chúng ta vẫn thường biết đến.

 

Sau đó, có lẽ vì có một cơ duyên nào đó, yến sào lại từ Indonesia được đưa trở lại quê hương của nó - đất nước Trung Quốc, nhờ một nhân vật nổi tiếng thời nhà Minh.

 



Văn hoá thưởng yến từ thời Minh

 

Trịnh Hòa đến đại dương phía Tây
Trịnh Hòa đến đại dương phía Tây (Hình ảnh: Internet)

 

Thời đại nhà Đường và Tống, nhờ vào sự ổn định chính trị và sự tiến bộ trong hàng hải, dân tộc Trung Hoa đã đi đến giao thương với các quốc gia tại khu vực biển Biển Đông và Ấn Độ Dương.

 

Đến thời nhà Minh, có một Thái giám tên Trịnh Hòa (1371–1433). Từ năm 1405 đến năm 1433, Trịnh Hòa nhận lệnh Minh Thành Tổ Chu Đệ đi thám hiểm thế giới và mở rộng thông thương với các quốc gia. Lịch sử Trung Quốc ghi nhận sự kiện này với tên gọi “Trịnh Hòa đến đại dương phía Tây”.

 

Khi Trịnh Hòa đi đến Biển Tây, quân đội của ông đã trao đổi hàng hóa với các nước Đông Nam Á, chủ yếu gồm Malaysia, Brunei và Indonesia hiện nay, ông đã tình cờ phát hiện ra yến sào, biết được nó là một vật phẩm quý hiếm, có khả năng tăng cường sinh lực và có thể giúp điều trị bệnh.

 

Vì thế, Trịnh Hòa đã dùng lượng lớn vàng bạc, đá quý để đổi lấy yến sào, dâng lên Minh Thành Tổ Chu Đệ. Từ đó yến sào được tiến cung, người Trung Hoa lần nữa biết đến yến sào là một loại thuốc bổ quý giá. Sau đó, các khu vực bờ biển thuộc Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có sự hiện diện của thương nhân Trung Quốc đến mua bán yến sào.

 

Theo ghi chép từ sử sách, vào cuối thế kỷ 17, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4 triệu tổ yến từ Java Batavia (hiện nay là Jakarta). Những con số này khá khả tín, bởi vì đây là khoảng thời gian chính trị Trung Quốc khá ổn định, hơn nữa nó cách thời điểm Trịnh Hòa phát hiện không quá lâu.

 

Một truyền thuyết không kém phần sử thi được kể lại, nhưng chi tiết lại có phần khác biệt như sau: Trong một lần đi xuống Nam Hải, quân đội của Trịnh Hòa gặp phải một cơn bão lớn nên phải neo đậu trên một hòn đảo thuộc quần đảo Mã Lai, trong khi thiếu lương thực trầm trọng, thậm chí nhiều người còn bị bệnh. Trong lúc hiểm nguy ấy, Trịnh Hoà quyết định đi khảo sát địa hình xung quanh để tìm kiếm nguồn lương thực, ông vô tình tìm thấy một loại tổ chim có hình dáng kỳ lạ nhưng rất đẹp mắt nằm trên vách đá vỡ. Ông đã ra lệnh cho quân lính nhặt chúng về, hầm với nước để ăn cho qua cơn đói.

 

Điều kỳ diệu đã xảy ra, vài ngày sau khi dùng canh yến sào, da dẻ của các thành viên trên tàu đều trở nên hồng hào và tràn đầy sinh khí. Vì vậy, khi quân đội trở về nước, Trịnh Hòa đã dâng yến sào lên cho Minh Thành Tổ. Kể từ đó, yến sào đã trở thành một loại thực phẩm dành cho đế vương.

 

Mặc dù hai câu chuyện có những khác biệt, nhưng đều có một điểm chung là, họ đều cho rằng Trịnh Hoà là người Trung Quốc đầu tiên mang yến sào về Trung Quốc.

 

Tại Việt Nam, từ xa xưa, vua Minh Mạng (1791 - 1841) cũng đã coi yến sào là một món ăn hàng ngày; ông tin rằng nếu dùng nó sẽ có thể sống lâu hơn. Bên cạnh đó, yến sào cũng là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa tiệc cung đình thịnh soạn.

 

Còn theo ý kiến của các bạn, thì chim yến đã được phát hiện từ khi nào? Nếu các bạn có nhu cầu trao đổi thêm kiến thức hoặc muốn có được những sản phẩm yến sào thật và chất, thì đừng quên liên hệ với Yến Sào Nữ Hoàng để được tư vấn và chọn lựa những sản phẩm tốt nhất!

 

Lương Phong (Tổng hợp)

 

📍Hỗ trợ khách hàng

☎ Hotline: 0974034097.

📩 Email: cskh@yensaonuhoang.com/ Điền email vào mục "Liên hệ" bên dưới.

🔗 Link video GJW: https://www.ganjingworld.com/video/1h91psac11s1zfcDpOKROrQy61011c

Để lại bình luận

Xin lưu ý, bình luận phải được chấp thuận trước khi đăng