Y học cổ truyền có câu rằng: “Đông lệnh tấn bổ, Xuân thiên đả hổ”. Câu này có nghĩa là vào mùa đông tập trung tẩm bổ và bồi dưỡng cơ thể thì mùa xuân có đủ sức khoẻ để chiến đấu với mãnh hổ trên núi cao.
Mùa nào thức nấy, sống dựa theo tự nhiên mới đúng là đạo dưỡng sinh. Trong Đông y, các loại dược phẩm được phân biệt bởi bốn đặc tính chính là: lương (mát), nhiệt (nóng), hàn (lạnh), và ôn (ấm). Ngoài bốn đặc tính kể trên còn có một đặc tính khác gọi là bình (không nóng cũng không lạnh). Trong những món ăn đại bổ thì tổ yến là loại thực phẩm vừa có tính bình, lại vừa có giá trị dinh dưỡng cực cao.
Vào thời nhà Minh, thái giám Trịnh Hòa (tên khai sinh là Mã Tam Bảo, 1371–1433) xuất thân là hoạn quan nhưng lại có tài năng của một đô đốc hải quân lỗi lạc, một nhà thám hiểm lớn và một nhà ngoại giao đại tài. Ông phụng mệnh Minh Thành Tổ Chu Đệ đi thám hiểm thế giới và mở rộng thông thương với các nước bên ngoài lãnh thổ. Các chuyến đi của ông diễn ra từ năm 1405 đến năm 1433, sử sách gọi sự kiện này là “Tam Bảo thái giám hạ tây dương” hay “Trịnh Hòa đến đại dương phía Tây”. Khi ông đi đến biển tây, hạm đội của ông đã trao đổi hàng hóa với các nước Đông Nam Á, chủ yếu là vùng Malaysia, Brunei và Indonesia ngày nay.
Nhờ chuyến đi này, Trịnh Hòa đã phát hiện yến sào là một loại thực phẩm quý hiếm, có khả năng tăng cường sức khoẻ và chữa trị bệnh tật. Trịnh Hoà liền dùng rất nhiều vàng bạc và đá quý để đổi lấy tổ yến mang về tỏ lòng tôn kính với Minh Thành Tổ Chu Đệ. Từ đó tổ yến được đưa vào trong cung và được nhìn nhận là một loại thuốc bổ quý giá. Sau này, tại các vùng bờ biển thuộc Malaysia, Indonesia, Thái Lan đều có các thương nhân Trung Quốc đến trao đổi mua bán tổ yến.
Sử liệu ghi chép rằng, vào cuối thế kỷ 17, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4 triệu tổ chim yến từ Java Batavia (nay là Jakarta). Thời điểm này cách thời gian Trịnh Hòa khám phá ra tổ yến chỉ vài thế kỷ. Đây cũng là khi nền chính trị Trung Quốc khá ổn định, vương triều nhà Thanh đang ở thời cực thịnh.
Lại có câu chuyện khác kể rằng, trong một lần đi xuống Nam Hải, hạm đội của Trịnh Hòa gặp phải một cơn bão lớn và phải neo đậu trên một hòn đảo thuộc quần đảo Malay trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Thuỷ thủ và quân lính trong đoàn vừa bệnh tật, vừa đói khát. Trước tình cảnh hiểm nguy ấy, Trịnh Hòa quyết định đi khảo sát địa hình xung quanh để tìm kiếm nguồn thức ăn, ông vô tình tìm thấy một loại tổ chim có hình dáng kì lạ nhưng đẹp mắt nằm trên vách đá. Ông ra lệnh cho cấp dưới mang những tổ chim ấy về rửa sạch và nấu kỹ với nước để lấp đầy cơn đói.
Và điều kỳ diệu đã xảy ra: vài ngày sau khi dùng canh tổ yến, tất cả các thành viên trên tàu đều khỏe mạnh hồng hào và tràn đầy sinh khí. Vì vậy khi hạm đội trở về, Trịnh Hòa đã mang tổ yến vào cung dâng lên Minh Thành Tổ. Kể từ đó tổ yến đã trở thành loại thực phẩm cao cấp dành riêng cho các bậc đế vương.
Tại Việt Nam, tổ yến cũng được xếp vào hàng “Bát trân”, nghĩa là 8 món ăn tuyệt phẩm chỉ dành cho vua chúa, bao gồm nem công, chả phượng, da tê ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi và thịt chân voi, và yến sào.
Băng Thanh (Biên tập lại từ bài viết của Lưu Phong Trường)